Chia sẻ nỗi đau và khó khăn với nạn nhân chất độc da cam Krông Pa
Jan 9, 2012 0 nhận xét
Một nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở thị trấn Phú Túc (Krông Pa, Gia Lai).
Những việc làm thiết thực
Từ nguồn kinh phí vận động được, cách đây gần một năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Chư Sê triển khai mô hình nuôi nhím. Hội hỗ trợ sáu gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn mỗi hộ một cặp nhím giống, giá từ 18 đến 20 triệu đồng. Một trong sáu cặp nhím giống đã đẻ được nhím con. Trọng lượng các cặp nhím giống đều tăng, từ ba kg lên 8 - 9 kg, nhím thịt hiện có giá từ 500 nghìn đồng/kg trở lên. Ông Lê Tấn Dũng, thôn Bầu Yut, thị trấn Chư Sê là một trong sáu hộ gia đình nạn nhân được hỗ trợ từ chương trình này, cho biết: Vợ chồng tôi sinh được tám người con, một đứa vì bị nhiễm chất độc nặng, chân tay teo dần sống được 16 năm và vừa mới mất. Bảy đứa còn lại, hai đứa sống thực vật nên vợ chồng quanh năm lao động vất vả mà vẫn thiếu trước hụt sau. Được Hội quan tâm hỗ trợ, gia đình rất mừng. Hằng ngày, vợ hoặc chồng chăm sóc hai con bị bệnh mà vẫn có thể nuôi được nhím. Nuôi nhím rất dễ, từ quả ổi, hạt mít cho đến bắp, bầu bí, rau, cỏ... thứ gì nhím cũng ăn.
Huyện Chư Sê hiện có hơn 1.000 người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, 61 hộ có từ hai đến bốn nạn nhân. Nạn nhân là người tham gia kháng chiến là 208 người, nạn nhân là dân thường 259 người; nạn nhân là thế hệ thứ ba (cháu nội, ngoại) 81 người; nạn nhân bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo, không tự sinh hoạt được phải có người chăm sóc thường xuyên là 240 người. Chủ tịch Hội Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Từ năm 2006 đến nay, các cấp Hội đã kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ Quỹ "Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin" của huyện gần 851 triệu đồng. Nhờ số tiền này, Hội đã xây dựng bốn nhà tình nghĩa trị giá 150 triệu đồng giúp các nạn nhân. Tổ chức thăm, tặng 1.000 phần quà nhân các ngày lễ, Tết, với tổng số tiền 320 triệu đồng; hỗ trợ 120 triệu đồng mua nhím giống cho sáu hộ; phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ chăn nuôi bò cho 22 hộ gia đình nạn nhân da cam, trị giá 110 triệu đồng; giúp 20 hộ gia đình nghèo bị chất độc da cam khắc phục hậu quả bão lụt, với tổng số tiền 30 triệu đồng.
Những nỗi đau còn lại...
Cách đây hơn 20 năm, vợ chồng anh Cân, chị Yat (làng Pirơm, thị trấn Đác Đoa, huyện Đác Đoa) ngập tràn hạnh phúc chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn đã ập đến khi đứa bé sinh ra không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Đứa thứ hai rồi thứ ba đều mang trên mình những dị tật. Nhìn những đứa trẻ khác trạc tuổi con mình hằng ngày cắp sách đến trường, anh chị quặn lòng rơi nước mắt bởi con của anh chị chẳng đứa nào đủ sức khỏe và khả năng đến trường. Hôm là người con trai đầu lòng giờ đã 20 tuổi, nhưng chẳng khác nào đứa trẻ lên ba, người còm cõi, teo tóp, gương mặt vô hồn, nói cũng không được, chỉ nằm... Người bạn duy nhất của Hôm là chiếc ra-đi-ô. Him là con trai thứ, 17 tuổi, bị mù bẩm sinh. Yâm bị di chứng bệnh tâm lý. Đến tuổi đi học, anh chị đưa Yâm đến trường, nhưng em không thể tiếp thu được những gì cô giáo dạy. Mỗi lần cô giáo gọi tên là Yâm sợ, vã đầy mồ hôi. Một năm, hai năm rồi ba năm... Yâm vẫn học lớp 1. Cuối cùng nhà trường đành trả lại gia đình. Chị Yat tâm sự trong nước mắt: "Sinh con ra bị tật nguyền, đứa này rồi đứa khác, vợ chồng tôi buồn cái bụng lắm! Tủi lắm!". Khổ đau nhiều, nhưng anh chị cố nén để đi làm kiếm gạo nuôi con, tiếp tục cuộc sống. Nhà có năm miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào ba sào lúa nước và miếng rẫy nhỏ để trồng tỉa, nên cuộc sống khó khăn.
Do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin, bốn người con của hai gia đình cựu du kích ở buôn K’răi, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa đang sống trong cảnh bất ổn với bệnh tâm thần. Đó là gia đình ông Ksor Ngôt và ông Ksor Dot. Bình thường những đứa con của hai ông vẫn hiền lành nhưng mỗi khi lên cơn thì đập phá lung tung khiến gia đình phải dùng xích nhốt riêng. "Đã bốn năm nay rồi, không đêm nào tôi được yên giấc - Ông Ksor Ngôt kể: Nhà có ba con, hai cô con gái đã lấy chồng sớm, còn thằng út này là niềm hy vọng. Nó cao to, đẹp trai thế, đã học tới lớp 11, mà học giỏi, được thưởng học bổng là một cái xe đạp. Đang yên lành thì giữa học kỳ I, nó bị điên. Ban đầu nó phá nhà mình, rồi phá nhà người. Mà phá nhà người ta, theo lệ làng phải bồi thường bằng trâu, bằng bò. Kiệt sức rồi, không còn cách nào khác phải xích nó lại". Ksor Ngôt tham gia du kích xã từ năm 1967 cho đến khi giải phóng. Tám năm ở căn cứ H37 ông là Tiểu đội trưởng, chỉ huy mười du kích làm nhiệm vụ vừa đánh địch vừa sản xuất lương thực tiếp tế cho bộ đội. Rẫy mì của Tiểu đội ông sản xuất là một trong những nơi bị địch rải chất độc hóa học nhiều nhất và đó là nguyên nhân chính dẫn đến hoàn cảnh của gia đình ông hiện nay.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Quý cho biết thêm: Hiện nay, 17 huyện, thị xã, thành phố và mười xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, thu hút 3.000 hội viên tham gia. Các cấp Hội đã tích cực vận động sự giúp đỡ của toàn xã hội ủng hộ Quỹ Chăm sóc nạn nhân được gần 1,3 tỷ đồng. Từ số tiền này, hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của tỉnh bước đầu được quan tâm, chăm sóc về vật chất và tinh thần. Ngoài ra, từ nhiều nguồn, Hội cũng đã hỗ trợ kinh phí xây mới 15 căn nhà, với số tiền 405 triệu đồng tặng các gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở. Năm 2011, Hội tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội kêu gọi vận động toàn xã hội quan tâm ủng hộ Quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, nhằm góp phần giúp đỡ các gia đình vơi bớt nỗi đau, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
HÀ NGUYÊN
» Chúc các bạn có những giây phút vui vẻ.
» Bạn có thể viết nhận xét của mình ở khung nhận xét dưới đây.
» Xin cảm ơn những Comment thiện chi!